Đọc Sử Việt thời 4.0 và Sách Việt Nam Sử Lược

Cuốn sách Sử đầu tiên mình đọc khi đã hơn 30 tuổi và đây là những điều mình nghiệm ra và “maybe” mang lại cảm hứng cho bạn.

Tại sao phải đọc Sử Việt ?

Tranh vẽ về trận hải chiến sông Bạch Đằng
Tranh vẽ trận hải chiến Bạch Đằng Giang.
  • Ủa mình người Việt mà, nên PHẢI biết gốc gác và quá trình hình thành đất nước. Mãi đến khi lớn, mình mới nhận ra lòng yêu nước nó được xây dựng từ sự hiểu biết về quá khứ dân tộc nó sẽ là lòng yêu nước Trí Tuệ và khó bị dắt mũi.
  • Muốn nhìn được tương lai, thì phải thông được quá khứ. Người ta hay bảo Lịch Sử Lặp Lại, nếu không biết lịch sử, làm sao nhận định được chu kì, hình tướng tương lai?
  • Ai rồi cũng đổi thay. Ngày xưa môn Lịch sử làm mình phát ngán do bị bắt học thuộc (đổ lỗi cho thầy cô không truyền hứng được), thì bây giờ khi tâm sinh lý tư duy đã được rèn giũa bởi đời thật, ta đọc lại những dòng sử với thái độ rất khác. Không bị o ép hay áp lực, với tâm trí thoải mái ta phát hiện ra nhiều điều hay ho, thậm chí là “bùng nổ nhận thức” từ những thông tin này.
  • Đọc, là bởi sách sử tưởng khô, mà hoá ra rất hay vì những câu chuyện lịch sử có sức hấp dẫn riêng của nó, đặc biệt là trong cái thời mông lung hư thực cách đây 4 ngàn năm. Thế là, khi đọc xong, mình lại có một bụng chuyện kể, một bầu kiến thức mới. Để chi, để cái sự giao tế của mình với mọi người nó thêm phần đi vào chiều sâu. Tưởng tượng đi chơi với người yêu, chở ngang qua cái đường Hùng Vương cái bảo “Em ơi, Hùng Vương là con Lạc Long Quân á” cái bắt chuyện được quá trời thứ kiểu “Mai mốt lỡ có cưới nhau mình không cần người xuống biển người lên non đâu, anh dẫn đi hết”. Hay, mình có thể ngồi với bậc lão nhân trong gia đình, như ông Ngoại, để cùng nói về thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ với một sự đồng điệu mà trước giờ chưa chắc mình có.
  • Bắt đầu đọc sách Sử để “thể hiện” mình đã…già. Nhưng, hãy nghĩ chữ Già ở nghĩa tích cực là tuổi nhiều thì tuệ trí tăng (Older but Wiser). Rõ ràng, cũng một thông tin như vậy, nhưng ở thời điểm 30 tuổi bạn sẽ thấy tầng lớp ý nghĩa khác so với lúc 14 tuổi trong trường cấp 3. Ví dụ mình nhìn thấy tất cả những câu chuyện mô lược của các Vua Tướng với một sự thú vị hơn là cái gì đó vân vân mây mây, nhờ vào quá trình xem phim cung đấu quá nhiều. Sự thú vị ở đây có thể là do mình chợt nhận ra ý nghĩa của cụm “Mâu thuẫn là động lực của phát triển” trong triết học Mác-Lenin nó ứng với lịch sử lắm. Không có chiến tranh, chưa chắc có những bước ngoặc lớn của đất nước.
  • Học hỏi từ cách trị quốc qua các thời, và nếu tinh ý mình sẽ nhìn được cái quy luật, cái nguyên cớ của những biến động xã hội trong lịch sử. Từ đó áp dụng cách nhìn thời cuộc có nền tảng hơn, thậm chí nhìn ngắm những chuyện thực tiễn như tề gia, quản công.
  • Trong Sử sách có rất nhiều cái tên hay, đọc để mai mốt có con thì có nhiều…lựa chọn đặt tên. Đặt tên con mà nó có tính lịch sử thì mai mốt cắt nghĩa nó cũng hay, mà con mình nó cũng sang hẳn hihi.
  • Đọc Sử sách để cảm nghiệm được tuệ trí của cổ nhân mà học tập.
  • Đọc sách Sử GIÚP ÍCH CHO NGƯỜI NGẠI GIAO TIẾP (theo ý kiến của mình). Khi đọc sách sử, cách trình bày đa số là mạch lạc, gãy gọn và lượng từ phong phú của sách sẽ giúp cho những chướng ngại trong giao tiếp (ví dụ bí từ, không biết cách diễn đạt sao…) dần dần được cải thiện. Khác với sách khoa học chuyên ngành khó hiểu, sách trinh thám rối ren, sách tiểu thuyết lãng mạng dầm dề, sách Sử vì bản chất là kể sự thật (hoặc gần thật) nên nó đơn giản, có sao ghi vậy, mà không bị thô ráp nên phù hợp với người muốn giao tiếp mà hay bị khó khăn.

Làm sao để đọc sách Sử ? (nếu bạn cũng lười như mình)

Một chương trong sách việt nam sử lược
Ảnh: Tuan Anh Nguyen Viet
  • Chọn loại Sử Lược. Lược tức là giản lược, chỉ chọn những sự kiện mang tính chính yếu tác động đến thời cuộc. Đọc sử lược phù hợp với người muốn có cái nhìn khái quát mà lại không có quá nhiều thời gian (đặc biệt trong thời đại bị nhiễu nhương bởi thiết bị thông tin đời mới)
  • Đọc với một thái độ trung dung là tốt nhất. Kiểu mở trang sách ra là đang tiếp nhận thông tin, đừng vội nhận xét hoặc để định kiến vào trước khi đọc. Những vấn đề lịch sử là những chuyện quá khứ, có nhiều tranh luận là bình thường. Vị trí là người đọc, mình đừng để những tranh luận đó phủ mờ thông tin.
  • Trừ khi bạn chỉ cần tra cứu một vài thông tin chứ không cần đọc hiểu hết, thì bạn không nên đọc sách sử kiểu lật “bừa”. Hãy đọc theo trình tự.
  • Nếu lười như mình, hãy để cuốn sách ở bàn làm việc, và thi thoảng lật ra đọc tiếp từ chỗ đánh dấu lần trước. Chính ra mình thấy cách đọc này nó cho mình thời gian “ngấm” nhiều hơn là đọc một cái rột hết luôn.
  • Kiếm ai đó để “lạm bàn” về cái mình mới đọc. Có thể kể họ nghe, có thể bình luận hoặc nói về “phát hiện” của bạn. Khi mình làm vậy mình thấy mình nhớ được thông tin, mà quan trọng hơn là cái thông tin nó thể hiện được độ “hay” của nó.
  • Nên xác định rằng thông tin trong bất kì sách Sử nào cũng sẽ chỉ mang tính tương đối chứ không hoàn toàn 100% đúng hết. Đâu đó vẫn có sự can thiệp của ý chí người viết, của kiểm duyệt thời bấy giờ (hoặc thời bây giờ) và sự sai khác trong quá trình điều tra, nghiên cứu. Vì vậy, đọc để biết thêm, chứ không phải đọc để vỗ ngực mình biết hết.

Những điều mình thấy thú vị trong sách Việt Nam Sử Lược

Những điều thú vị trong sách Việt Nam Sử Lược
Một chương trong Việt Nam Sử Lược. Ảnh: Tuan Anh Nguyen Viet
  • Chữ to, rõ ràng, trình bày rất ngắn gọn nhưng tập trung được điểm chính, không sa đà phân tích. Với mình, việc trình bày lịch sử là trình bày một sự kiện trong quá khứ một cách chân thật nhất có thể, nên người viết phải hạn chế đưa ý kiến cá nhân để làm thông tin bị sao lãng, thiên kiến. Sử gia Trần Trọng Kim đã làm việc này rất tốt trong suốt cuốn sách. Mình thấy được sự khiêm tốn và trân trọng của tác giả đối với thông tin và cả đối với chính suy nghĩ của ông khi ông vẫn một số chỗ đưa nhìn nhận của mình vào nhưng phân định rõ giữa hai phần (được chỉ rõ trong Tựa). Nhờ đó người đọc biết đâu là thông tin, đâu là ý kiến.
  • Sách trình bày theo diễn tiến thời gian, cấu trúc các thời kì theo định dạng tương tự nhau (về Chính trị – Luật lệ – Kinh Tế – Giáo dục cùng những chuyển biến giai thời) và cụ thể “từ khoá” trong phần mục lục nên việc tra cứu rất dễ dàng. Ví dụ bạn đang muốn tìm hiểu về một Thời nào đó thì cứ lật mục lục ra kiếm rồi đọc.
  • Sách có nhiều phần “cộng thêm” khá bất ngờ là nhiều trang rời vẽ gia phả các triều đại được in rời và đính kèm giữa các trang liên quan. Tuy nhiên, các trang này nằm rời nên dễ bị thất lạc, các bạn nên cất riêng hoặc bấm vào. Mình nghĩ lý do in rời vì nó to và dài nên không phù hợp với khổ sách.
  • Sách gốc được sử gia Trần Trọng Kim viết bằng chữ quốc ngữ nên bản in hiện tại ít bị ảnh hưởng bởi dịch thuật và biên tập nhiều. Bên cạnh đó, lối dùng từ ngữ khá tân thời cũng làm cho nội dung dễ đọc, dễ hiểu với đại chúng.
  • Sách có “Một chút gì đó cho tất cả mọi người”. Mình là người khoái câu chuyện, sách thì có vô số. Nếu bạn là người thích thống kê, liệt kê, khỏi nói, đầy đủ. Còn bạn khoái tìm hiểu về Binh, Pháp thì mỗi niên đại, mỗi giai đoạn đều có những ghi chép trình giải đầy đủ từ chế hiệu cho đến vận hành (tổng quan). Kiểu một bữa ăn búp-phê chất lượng cao.
  • Trong sách có nhiều từ Hán Việt hay, đọc để thấm từ từ có dịp sẽ tự nhiên nhớ ra xài tới. Rõ ràng là đọc sách thế này làm cho vốn từ của mình nó dày lên rất nhiều.
  • Mình rất thích mấy đoạn thư giữa các vuahay tướng-quan gởi cho nhau. Đọc mới thấy cách làm chánh trị nó vi tế như thế nào, đôi khi thường dân nông cạn dễ gì thấu hiểu.
  • Đọc sách này mình tự hỏi là tại sao mà sách giáo khoa không viết kiểu này cho nó gọn, phần diễn giãi dài dòng thầy cô kể, còn tóm ý thì học vâỵ cho mau thuộc.

Với mình, Việt Nam Sử Lược của sử gia Trần Trọng Kim là một một cuốn sách thay đổi quan điểm, tư duy của cá nhân mình về chuyện chánh trị-lịch sử của mình theo hướng tích cực. Một cuốn sách hay, chất lượng và mang tính khảo cứu lâu dài.
Việt Nam Sử Lược có bìa dày, thiết kế bìa vẽ hơi hướng nét tranh thuần Việt (ví dụ tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống), có chỉ đỏ để đánh dấu trang. Giá sách theo mình thì quá “bèo” so với chất lượng nội dung và chất lượng in.

Thông tin về tác giả Trần Trọng Kim

Sách Việt Nam Sử Lược
Sách Việt Nam Sử Lược – Trần Trọng Kim

Theo Wikipedia

Trần Trọng Kim (chữ Hán: 陳仲金; 1883 – 1953) là một học giả, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu sử học, văn học, tôn giáo Việt Nam, bút hiệu Lệ Thần (遺臣), từng làm thủ tướng của chính phủ Đế quốc Việt Nam vào năm 1945 (chính phủ này được Đế quốc Nhật Bản thành lập trong thời kỳ chiếm đóng Việt Nam). Ông là tác giả của nhiều cuốn sách về lịch sử, văn hóa như Việt Nam sử lược, Việt Nam văn phạm, Nho giáo,…

Nguồn: Tuan Anh Nguyen Viet – Group Maybe You Can’t Stop Reading It

BÌNH LUẬN
Bạn cần đăng nhập để tiếp tục

Sắp xếp: Mới nhất